Mấy ngày nay, anh Lê Văn Đức, 45 tuổi, thôn Vĩnh Ninh "bị cầm tù" bởi cậu con trai 8 tuổi được nghỉ học, phòng nguy cơ nhiễm bệnh viêm phổi.
Thấy có khách đến nhà, ông bố vội vã thu dọn phòng khách ngổn ngang cặp sách, đồ ăn. Với được cái khăn lau bàn, vỏ, hạt cam gói trong khăn văng tung tóe, anh nhăn như muốn khóc. Thằng con trai thấy thế nhìn bố cười láu lỉnh, vụt chạy đi. "Lại bày trò. Tao bắt được là chúng mày chết", mặt anh đỏ bừng, quát với theo.
Đã hơn sáu năm nay, vợ anh Đức đã xa nhà. Những ngày vợ mới xuất ngoại, một mình anh phải tự quấy bột, nấu cháo, bế con, dỗ cho ăn khắp làng. "Đi học mẫu giáo, ngày nào nó cũng đứng ở quán bán đồ ăn vặt khóc ti tỉ. Lúc đó chẳng có tiền, tôi phải ký sổ nợ để chiều con", anh Đức kể.
Mỗi năm, chị Hiếu - vợ anh chỉ về quê 20 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Mỗi lần về, chị đều sắm sửa nội thất, đồ đạc, trang trí trong nhà. Anh Đức ủng hộ, nhưng nhất định không đồng ý khoản trưng đào, quất. "Hết Tết, vợ đi, tôi lại phải còng lưng vừa trông con, vừa dọn", anh giải thích. Những ngày có vợ, anh chỉ xách xe đi chơi, bù đắp một năm "gà trống nuôi con".
Vợ đi vắng, anh Đức phải ở nhà chăm cậu con trai học lớp ba. "Sức mình làm một tuần đủ ăn cả tháng. Nhưng vì chăm con mà mang tiếng ăn bám vợ", anh than thở. Ảnh: Phạm Nga. |
Sáng sáng, việc đầu tiên của ông Vũ Văn Anh, 52 tuổi, là đến nhà chị dâu nhận thực phẩm cho hai bố con ăn trong ngày. Vợ ông cùng với những người đàn bà khác của xã rủ nhau đi Đài Loan, Macau làm ăn từ hơn 15 năm trước. Năm đầu, vợ gửi về khoảng hơn 8 triệu đồng mỗi tháng. Một năm sau, khoản tiền này được chuyển về tài khoản chị dâu với lý do: Sợ ông tiêu xài hoang phí, thiếu hơi vợ đi tìm gái làng chơi. Kể từ đó, cha con ông cần chi tiêu gì, thực phẩm ăn uống hàng ngày, đều phải sang nhà chị.
Vợ ông Anh đi khi con trai lớn mới lên năm, con gái thứ hai vừa cai sữa. Bố mẹ vợ ở xa, bố mẹ đẻ đã mất, một tay ông lo chuyện bếp núc, tắm rửa cho hai con. "Ngày xưa, cứ con khóc lại bế đi dỗ khắp làng. Đi vài vòng lại gặp một ông cùng cảnh mình. Nhìn nhau không biết khóc hay cười", ông chép miệng.
Ở xã Đông Tân hiện nay có tới gần 500 đàn ông cùng cảnh ngộ với hai người. Đầu những năm 2000, khi về ở với nhau, vợ chồng anh Đức được chia bốn sào ruộng. Cặp vợ chồng trẻ thuê thêm một mẫu trồng lúa, nhưng vẫn không đủ ăn. Chị Hiếu quyết định vay 80 triệu đồng sang Đài Loan làm giúp việc. Hết ba năm chị về, nhưng quê nhà chỉ có đồng ruộng, nên khi đứa thứ hai được 3 tuổi, chị lại trao con cho chồng, xuất ngoại lần nữa.
Cuộc ly hương của chị Hiếu biến ngôi nhà ngói cũ nát thành căn nhà hai tầng khang trang. Anh Đức và con trai ở nhà, thay vì ký sổ nợ như xưa, giờ thích ăn gì cũng có. Còn vợ ông Anh, cấp cho cậu con trai gần chục triệu đồng mỗi tháng để ở Hà Nội học đại học - khoản tiền nhiều hơn thu nhập của cả một gia đình nông dân bám ruộng.
Khoảng đầu những năm 1990 , hai người của xã Đông Tân làm nhân viên cho một công ty xuất khẩu lao động về làng tuyển người. Ban đầu, chỉ 4-5 người đi nhưng sự "thay da, đổi thịt" của họ và gia đình, đã thổi bùng giấc mộng đổi đời nhờ ly hương của dân Đông Tân. Cuối những năm 1990, trào lưu phụ nữ sang Đài Loan nở rộ. Khoảng 5 năm nay, phụ nữ Đông Tân lại rủ nhau sang Macau kiếm sống.
Theo thống kê, năm 2019, xã Đông Tân có 570 người xuất ngoại, trong đó 74% là nữ, đa số làm việc trong các sòng bài ở Macau hoặc giúp việc gia đình ở Đài Loan. Người dân ở đây bảo nhau, đàn bà ở Đông Tân tụ thành một cái làng nhỏ giữa xứ người. Những chuyến xuất ngoại giúp diện mạo quê nhà thay đổi rõ rệt, những căn nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Cán bộ thôn, xã cũng đỡ vất vả hơn trong những lần kêu gọi ủng hộ người nghèo, đồng bào lũ lụt...
Ở Đông Tân, hầu hết những ngôi nhà to lớn, khang trang nhất là nhà của các gia đình có phụ nữ xuất ngoại. Ảnh: Phạm Nga. |
"Cái gì cũng có hai mặt. Kinh tế kéo theo tệ nạn.Xã này có đến 5 -7 cái nhà nghỉ", một lãnh đạo chủ chốt của xã Đông Tân nói.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó ban thanh tra nhân dân xã cho hay, năm 2019, có 10 trường hợp gia đình mâu thuẫn, căng thẳng, cần đến hòa giải. Tất cả đều là những nhà có vợ xuất ngoại với nguyên nhân chủ yếu là ghen tuông, tranh chấp về tiền bạc. Nhiều phụ nữ đi làm xa nhưng không tin chồng nên chọn cách gửi tiền về nhà cho bạn bè, nhà ngoại, nhà nội, mà không phải chồng.
Cán bộ xã Đông Tân cho biết, sự "cẩn thận" của các bà vợ không phải không có lý. Ở thôn Vĩnh Ninh từng có trường hợp, vợ đi Đài Loan, chồng ở nhà cặp kè với một cô trong làng, rồi kéo nhau vào nam sinh sống. Trường hợp khác, có tiền vợ gửi về, chồng chơi bời, lao vào ma túy. Có nhiều gia đình, vợ chồng kết hôn gần 25 năm thì hơn 20 năm vợ đi xuất khẩu lao động.
Nhìn thấy nguy cơ hạnh phúc gia đình lung lay vì xuất ngoại, ông Phương yêu cầu các con rời quê "cả cặp". Đến nay, sáu người con của ông, ba trai, ba dâu, đều đã từng hoặc đang làm ăn ở Đài Loan. Chồng làm cơ khí, vợ làm giúp việc. Các con đoàn tụ, đổi lại, vợ chồng ông Phương biến thành "ông bà bỉm sữa". Sáu đứa cháu, từ hai tuổi, bốn tuổi đều do ông bà chăm bẵm.
"Chỉ nấu ăn ngày hai bữa cho đàn cháu là không còn thời gian làm gì. Khổ nhất những ngày nghỉ, chúng nó nghịch phá", ông Phương nhăn nhó. Đổi lại, năm 2012, hai căn nhà hai tầng cùng một kiểu thiết kế mọc lên trên mảnh đất vốn chỉ có căn nhà ngói cũ kỹ của gia đình ông.
"Bây giờ tôi chỉ phải chăm dịch thuật hai đứa cháu nhà vợ chồng thằng út. Hai cặp lớn đều đã về nước, có vốn làm ăn. Dù sao, xuất ngoại vẫn là tốt nếu biết điểm dừng", ông nói.
Phạm Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét