"100 năm phát triển của ngành hàng không dân dụng chưa bao giờ có điều này"
Chiều 16/4, phát biểu tại cuộc đối thoại với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, các lãnh đạo thành phố, với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 , ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines ) cho biết, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức của dịch Covid-19, lượng khai thác của các hãng này ở trong nước chỉ còn 2 - 5% năng lực.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, thế giới có 21.000 cái máy bay nhưng đã dừng khai thác 19.000 cái.
"100 năm phát triển của ngành hàng không dân dụng chưa bao giờ có điều này. Chưa bao giờ toàn bộ các nền kinh tế lớn đóng băng để chống dịch", ông Thành nêu.
Lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin , cách đây 6 tuần, Tổ chức hàng không quốc tế đánh giá ngành hàng không toàn thế giới sẽ giảm doanh thu khoảng 113 tỉ USD. Đến cuối tháng 3, khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc và châu Âu, họ dự đoán mất 252 tỉ USD.
Đến giai đoạn Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cũng bị ảnh hưởng, con số dự báo mất 314 tỉ USD.
Theo ông Thành, Vietnam Airlines đã không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, mà vấn đề là bao giờ mới có thể phục hồi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Ảnh: Phú Khánh.
"Dự kiến quy mô như Vietnam Airlines, khoảng 100 cái máy bay, sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, cơ chế đảm bảo, tối thiểu phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa gì cả, mà phải có giải pháp hỗ trợ tài chính, phải nhanh, đảm bảo độ dài", ông Thành nói.
Ông Thành đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc mua thêm máy bay. Cụ thể, trong lúc dịch Covid-19, việc mua thêm máy bay chính là cơ hội khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng. Doanh nghiệp muốn mua thêm 50 chiếc để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.
Ông Thành cũng cho biết cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng sẽ giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi đề xuất có giải pháp cấp bách phê duyệt đề xin đầu tư thêm 50 máy bay", ông Thành nói.
Ông cũng đề xuất xây dựng nhà ga sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Nội Bài và mong có đặc cách, xem xét phê duyệt xin khởi công sớm.
Doanh nghiệp lớn của Việt Nam lỗ nghìn tỷ trong vài tháng
Với tập đoàn đa ngành như Vingroup , sự tác động của dịch càng nặng nề, vì ngành nào cũng sụt giảm.
Theo đại diện Tập đoàn, việc sản xuất ô tô, xe máy bị ngưng trệ khiến họ lỗ trên 10.000 tỉ; sản xuất điện thoại, thiết bị điện tử cũng tương tự.
Hoạt động dịch vụ, khách sạn, nghỉ dưỡng, sân golf, công viên giải trí… lỗ trước thuế hơn 3.000 tỉ. Bất động sản cũng ảnh hưởng rất nhiều khi khách hàng trả lại mặt bằng thuê, các khu kinh doanh phải đóng cửa, F1 ngưng, Vinschool đóng cửa…
Đồng ý kiến cho rằng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có ý nghĩa gì trong lúc này, đại diện tập đoàn kiến nghị miễn thuế đất 2020, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, phê duyệt quy hoạch sớm để đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm bớt thủ tục hành chính.
Tập đoàn bán lẻ như Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) cũng bày tỏ việc bị lỗ nặng.
Theo đại diện tập đoàn, tháng này đơn vị bắt đầu thua lỗ vì kinh doanh phi thực phẩm, như điện máy, chuỗi cửa hàng thời trang bị đóng cửa hoàn toàn.
Còn duy nhất Big C hoạt động, nhưng doanh số cũng không tăng trưởng, vì nhóm thực phẩm thiết yếu tăng mạnh, nhưng nhóm đồ dùng gia đình âm 70%, do người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào nhóm thiết yếu.
Đại diện Central Retail không mong hỗ trợ gì, chỉ mong rút bớt thủ tục hành chính, vì "checklist của giấy phép con dài cả trang giấy"...
Đề xuất cử công an hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG , cho biết sơ bộ nhánh du lịch, khách sạn, sân golf, xuất nhập khẩu của tập đoàn này lỗ 1.000 tỉ đồng, 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, Chủ tịch BRG đề nghị TP cử công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông...; hỗ trợ chi phí vận chuyển.
Đồng thời, bà đề nghị thành phố sớm cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân gold nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang).
Bà Nga đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển, (Chủ tịch Tập đoàn T&T), cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa "mỏng manh và dễ vỡ", nên đang gặp khó khăn ở đầu vào - đầu ra của thị trường.
Ông Đỗ Quang Hiển.
Ông cho biết, Hà Nội có nhiều quỹ hỗ trợ, mong muốn có cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Ông kiến nghị Hà Nội sớm đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai xây dựng mới sân vận động Hàng Đẫy và Trung tâm quần vợt quốc tế theo tiêu chuẩn ATP tại Mỹ Đình.
Còn đại diện FLC cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, nhưng thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Đại diện FLC mong kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Kiến nghị về thủ tục hành chính, bà Thái Hương, Tập đoàn TH True Milk nói đang gặp khó khăn trong triển khai một dự án lớn tại huyện Đông Anh.
Bà Hương mong muốn TP chỉ đạo UBND huyện Đông Anh chấp nhận bàn giao giải phóng mặt bằng đã đền bù xong khoảng 2/3, để kịp tiến độ dự án mà tập đoàn đang triển khai.
Bà Hương kiến nghị TP tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, cải tạo công viên...
Trước thông tin Bí thư Vương Đình Huệ nêu về 41 ha đất ở Ba Vì có thể đầu tư nông nghiệp ngay, bà Thái Hương mong muốn được đầu tư ngay vào dự án này để trồng rau sạch cung cấp cho Hà Nội.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp “phải ngay, kịp thời”
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tổng kết và trực tiếp trả lời 47 nội dung ở 11 lĩnh vực của các doanh nghiệp nêu ra.
Với những kiến nghị về dự án cụ thể của TH Truemilk (dự án trung tâm chăm sóc sức khỏe 4.0 tại Đông Anh), BRG (dự án phát triển khách sạn, nhà trẻ Kitty), T&T (dự án liên quan đến cải tạo sân vận động)… Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog ông Chung hứa sẽ xem xét cụ thể, vì đây là các dự án lớn, có thể hỗ trợ tăng trưởng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tháo gỡ khó khăn cho DN “cũng phải như mệnh lệnh thời chiến”, “cũng phải giải quyết ngay, kịp thời”.
Ông cam kết thành phố sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, trên nguyên tắc sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu; làm tiền đề cho sản xuất kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo ông Huệ, thành phố xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân để có tăng trưởng.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội, TP sẽ tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc của với Thành phố, dự kiến được tổ chức vào tuần tới.
"Chúng ta tìm công thức win - win, TP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp hiến kế cho TP vượt qua khó khăn này, duy trì đà tăng trưởng”, ông Huệ nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét